Bỏ qua thị trường truyền thống, đổ nhiều tiền của vào nghiên cứu sản phẩm, nhiều doanh nhân kể bị chê là điên, liều khi muốn làm khác đi.

Tố chất “dám liều” là một trong những từ khóa được rút ra tại diễn đàn về tinh thần doanh nhân ngày 13/10. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết từng nhiều lần chấp nhận thương đau, bước ra khỏi vùng an toàn, trở thành người tiên phong.

Các doanh nhân chia sẻ tại diễn đàn ngày 13/10. Ảnh: MPI

Các doanh nhân chia sẻ tại diễn đàn ngày 13/10. Ảnh: MPI

“Tôi từng bị dân trong nghề gọi là điên khi đang yên lành dừng bán cho Ấn Độ, thị trường quen thuộc, để đi phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ”, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) nói. Thành lập năm 2012, Vinasamex thời điểm đó chủ yếu xuất khẩu mặt hàng thô qua Ấn Độ, Bangladesh và được các bạn hàng đánh giá rất cao về chất lượng.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm về thị trường, bà Huyền nói, thực tế nhiều nước khác cũng có nhu cầu cao về sản phẩm. Khác biệt là tiêu chuẩn của họ rất cao. Không muốn phụ thuộc vào 1-2 thị trường, đồng thời muốn nâng tầm cây quế, hồi của Việt Nam nên bà chấp nhận liều.

“Nhiều chỉ tiêu mà khách đưa ra tôi cũng không biết là gì. Tôi chỉ nghĩ cần phải làm khác đi rồi quyết định dừng luôn không bán hàng cho Ấn nữa mà tập trung tìm hiểu các chứng nhận quốc tế về sản xuất hữu cơ, kết nối với nông dân”, bà Huyền kể.

See also  Shark Hùng Anh: ‘Nếu chỉ kinh doanh bằng đam mê, doanh nghiệp dễ mất tiền’

Khi bắt tay vào làm, không chỉ bị dân trong nghề nghi ngờ, chính quyền, người dân ở những vùng Vinasamex tìm đến cũng khó bị thuyết phục. “Họ không sẵn sàng tin nên từ chối”, bà nhớ lại. Phải đến xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, Yên Bái), bà mới nhận được cái gật đầu.

Trong 3 năm sau, doanh nghiệp này đã đạt được giấy chứng nhận hữu cơ đạt chuẩn quốc tế cho 1.000 ha quế, hồi, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu.

“Lúc nhận được chứng nhận, chị hướng dẫn còn bảo tôi không thể tin được vì lời khuyên ban đầu là nên thử với 10 ha để kiểm soát cho tốt. Tuy nhiên, tôi lại muốn liều ăn nhiều”, bà Huyền nói.

Hiện Vinasamex đã xuất khẩu tới 20 nước và là đối tác uy tín của các khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tương tự, bà Trần Thị Thu Phương, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà, cũng từng liều khi quyết định xây nhà máy xanh có tổng mức đầu tư 1.240 tỷ đồng, trong khi vốn doanh nghiệp chỉ 100 tỷ đồng.

“Nhiều bên, thậm chí cả khách hàng cũng thuyết phục chúng tôi chọn phương án thấp hơn, 5-7 năm thu hồi vốn rồi mang tiền đầu tư cái khác là được”, bà nhớ lại. Tuy nhiên, bà cho rằng đã mất công đầu tư nhà máy mới thì phải đẳng cấp, định vị là nhà máy xanh. Bà cũng cho rằng, một khi có quyết tâm, nhất định sẽ tìm được cách thực hiện. Doanh nghiệp về sau đã dần tăng được vốn, còn nhà máy đã đi vào chạy thử nghiệm, dự kiến cho ra sản phẩm vào cuối 2023.

See also  Trương Lý Hoàng Phi: 'Đổi mới đem đến sức mạnh tăng trưởng'

Khác với hai nữ doanh nhân, câu chuyện của ông Phan Thành Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Food là bài toán chọn sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, cạnh tranh trực diện với các tập đoàn ngoại.

Việt Nam Food là đơn vị chuyên xử lý sản phẩm đồng hành từ tôm bao gồm đầu và vỏ tôm, từ đó tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành công nông nghiệp khác nhau và đồng thời góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường.

Ông nói, ngành sản xuất từ phụ phẩm ở Việt Nam thực tế rất khó, từ nhân lực đến nhận thức của thị trường. “Thời gian đầu, tôi cứ nghe ai là chuyên gia là đi tầm sư học. Nhưng cuối cùng vẫn phải tự lực. Người có thể thực sự làm rất ít”, ông nói.

Doanh nghiệp này cũng phải trải qua những bài học đau thương để rút kinh nghiệm. Đơn cử, có những máy móc hiện chỉ tốn 200 triệu để mua, nhưng Việt Nam Food từng phải trả 1,4 tỷ đồng, bởi lúc đó doanh nghiệp không có cách nào để kiểm tra được.

Ở khâu bán hàng, nếu tại các nước, ngành tái chế phụ phẩm được tôn trọng, tại Việt Nam, ý niệm đầu tiên là sản phẩm thừa, có giá rất rẻ. Cách xử lý phụ phẩm cũng chỉ quanh quẩn hấp, sấy, nghiền rồi xuất khẩu thô. “Chiết xuất tinh sạch như chúng tôi là rất hiếm, tức khi đi con đường này là chúng tôi lựa chọn cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn đang bán nguyên liệu vào Việt Nam”, ông nói.

See also  Chủ casino lớn nhất Quảng Ninh miễn nhiệm hết dàn lãnh đạo

Theo các doanh nghiệp, việc liều đi những con đường khác, bên cạnh tạo hướng phát triển bền vững cho bản thân, còn nhằm khẳng định sự tự hào của người Việt.

Đức Minh